Doanh nhân trẻ Đỗ Huy Phương: Thành công từ những nỗ lực

- Doanh nhân Đỗ Huy Phương, sinh năm 1987, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất HTP (TP Tuyên Quang) bước vào nghề kinh doanh vật liệu ngành cơ khí ở tuổi 29. Gặp anh, người đối diện luôn cảm thấy thú vị không chỉ bởi vẻ ngoài lịch lãm, đậm chất thư sinh mà còn bởi nhiệt huyết với nghề kinh doanh. Vậy nên, từ một nhân viên bán hàng anh đã vươn lên thành lập doanh nghiệp, chèo lái công ty vượt qua khó khăn, vững vàng phát triển.

Doanh nhân Đỗ Huy Phương.

Khó khăn rèn bản lĩnh

Anh Đỗ Huy Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thái Long (Hàm Yên). Nhưng anh luôn coi đó là điểm xuất phát vô giá để phấn đấu trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.

Anh Phương bảo: Sau khi tốt nghiệp THPT vì nhà nghèo nên anh không thể theo học tiếp, mà đi làm kiếm tiền mưu sinh. Từ công việc phụ hồ đến chặt gỗ rừng thuê… hễ trong làng ai có việc gì gọi anh đều đi làm. Sau 1 năm làm lụng vất vả dành dụm được chút tiền, năm 2007 anh nộp hồ sơ theo học Trung cấp Y Tuyên Quang. Trong lúc theo học, số tiền dành dụm được trước đó không nhiều, nên anh vừa học vừa làm thêm nghề buôn cá. Máu kinh doanh ngấm dần vào anh từ đó, học xong anh quyết định không theo ngành Y mà lên Hà Giang làm thương lái buôn cá đổ buôn cho các mối suốt 5 năm. 

 Tích lũy được chút vốn, năm 2016 anh quyết định về quê tìm việc và lập gia đình. Anh bắt đầu công việc là nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH MTV Sơn Hà SST Việt Nam - Chi nhánh Tuyên Quang (Công ty Sơn Hà) chuyên bán về các loại ống inox trang trí cầu thang. Anh bảo rằng, đây là thử thách rất lớn, bởi anh chưa có chút kiến thức hay kinh nghiệm nào liên quan đến công việc này. Được vào làm cho một công ty lớn dù chỉ là một nhân viên nhỏ anh rất vui và nỗ lực không ngừng. Anh làm việc và học hành chăm chỉ, vốn liếng kiến thức từ kho tàng internet về quản trị kinh doanh, thị trường… hòa vào thực tiễn công việc đã cho anh những kết quả bất ngờ. Từ một nhân viên kinh doanh, sau 2 tháng anh được công ty đề bạt làm Cửa hàng trưởng quản lý chi nhánh Tuyên Quang.

Anh Đỗ Huy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất HTP (TP Tuyên Quang) trao đổi với khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của công ty.

Khởi nghiệp trong tâm bão

Làm việc cho công ty được 3 năm, đến năm 2019 thì đại dịch Covid-19 ập đến, Công ty Sơn Hà gặp nhiều khó khăn về tài chính nên thu hẹp mô hình kinh doanh, đóng cửa chi nhánh các tỉnh. Nắm bắt cơ hội này, anh Phương đã dùng tiền tích lũy và vay mượn thêm bạn bè, người thân và ngân hàng được hơn 1 tỷ đồng thu mua lại Chi nhánh Tuyên Quang để tái cấu trúc khởi nghiệp.

Khi được hỏi, vì sao anh dám khởi nghiệp trong tâm bão?

Anh Phương cười bảo: “Đúng là trong kinh doanh không táo bạo thì khó thành công và bứt phá được”.

3 năm làm nhân viên cho Công ty Sơn Hà, anh hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu về sản phẩm của công ty cũng như nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Chính vì thế, sau khi tiếp quản anh tập trung duy trì phát triển các sản phẩm thế mạnh của công ty là các sản phẩm ống hộp inox và ống nước. Đồng thời nhập thêm phụ kiện bán kèm như bóng, trụ, tay nắm cửa, khóa và mở rộng thêm một số mặt hàng thuộc ngành hàng nhôm và các sản phẩm gỗ ván ép sàn, tấm trần nano…

Lúc mới tiếp quản kinh doanh vị giám đốc trẻ không ngồi ở văn phòng mà xắn tay vào làm từ việc nhỏ nhất, sắp xếp lại cửa hàng, bưng bê từng cây nhôm, tấm ván, khóa cửa đến tiếp thị sản phẩm của cửa hàng tới khách hàng, tự lái xe đi giao hàng tới những việc sổ sách… Anh bảo, phải làm mới biết sẽ phải thay đổi từ đâu.

Một số mặt hàng phụ kiện tay nắm cửa thủy lực được anh Phương đầu tư mở rộng kinh doanh.

Điểm đặc biệt trong chiến lược hoạt động của Công ty mà anh Phương xác định được, đó là đối tượng khách hàng mà mình hướng tới là các đại lý phân phối nhỏ và đội ngũ thợ cơ khí. Đồng thời lên kế hoạch thanh toán linh động cho đối tác. Tính toán này đã đưa Công ty thực sự vào quỹ đạo phát triển vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, anh liên tục chăm sóc khách hàng, chú trọng nhập các sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng và đa dạng phân khúc để khách hàng lựa chọn.

Là chủ của một doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời điểm khó khăn, anh Phương chia sẻ: Vượt qua đại dịch đã khó, sau đại dịch do tác động của khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp cả nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng gặp rất nhiều khó khăn thách thức, vì vậy để tồn tại doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm, nắm bắt cơ hội, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với tình hình thực tiễn, phải nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực của doanh nghiệp.

Với những nỗ lực của bản thân và sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ từ Ban lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ, Công ty của anh Phương đã vượt qua khó khăn và đứng vững. Từ một kho hàng trị giá hơn 1 tỷ đồng vào năm 2019, sau 5 năm, kho hàng của anh Phương có giá trị tới hơn 6 tỷ đồng. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, anh đã đầu tư 2 chiếc xe tải và thuê nhân viên lái xe để kịp thời giao hàng cho khách. Công ty của anh tạo việc làm cho 5 - 7 lao động có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Phóng sự: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục